Bị chi phối khá nhiều bởi giá trị ảo do quảng cáo.
Tất cả các dự án căn hộ đều được xếp vào loại hình nhà ở hình thành trong tương lai, bán và thu tiền trước, giao nhà sau. Khi mua chung cư, nhà đầu tư nộp tiền kể từ khi ký hợp đồng nhưng chưa thể nhìn thấy ngay được sản phẩm tại dự án, chủ yếu căn cứ theo phối cảnh. Do đó, đầu tư căn hộ bị đánh giá là ít nhiều chịu tác động bởi các chiến dịch PR (quảng cáo) với nhiều thông điệp vượt xa bối cảnh thực tế.

Khó tăng giá đột biến như bất động sản liền thổ.
Trừ chu kỳ 10 năm đầu khai thác tốt, giá nhà có thể liên tục đi lên ở biên độ hẹp trung bình dưới 5%/năm, càng về sau, giá căn hộ bước vào giai đoạn bão hòa. Kể từ độ tuổi 15-20 năm trở đi, chung cư khó tăng giá lũy tiến do chất lượng công trình sẽ giảm dần theo thời gian. Khi đó, cần dùng đến quỹ bảo trì để tiếp tục vận hành máy móc hoặc sửa chữa một số hạng mục. Nếu quỹ bảo trì được quản lý tốt, chất lượng chung cư vẫn ổn định thêm một vài thập niên tới.

Bị ngân hàng định giá cho vay thấp.
Dù được xét cho vay dễ dàng nhưng việc thế chấp căn hộ tại ngân hàng thường không dược định giá cao. Nguyên nhân là nhà băng phải tính đến khoản khấu hao tài sản này theo thời gian do công trình sẽ dần hao mòn hoặc xuống cấp. Thông thường, khi chung cư đã có sổ (giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản), ngân hàng định giá tối đa không quá 50% giá trị tài sản. Trong khi đó, đất nền, nhà phố có sổ, được định giá 60-70%.

Bị cạnh tranh khốc liệt vì nguồn cung quá lớn.
Số lượng các dự án chung cư được tung ra thị trường trong 3 năm gần đây đã tăng lên con số hàng chục nghìn sản phẩm mỗi năm. Năm 2017 rổ hàng hóa dự kiến vẫn tăng lên khoảng 25.000-30.000 căn nữa. Nguồn cung dồn dập sẽ dẫn đến kịch bản căn hộ có thanh khoản chậm hơn kỳ vọng hoặc giá thuê giảm.

Tranh chấp chung cư luôn âm ỉ, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Đây là yếu tố nhà đầu tư căn hộ không thể kiểm soát được. Tranh chấp triền miên có thể làm giảm giá trị tài sản. Do thị trường chung cư thương mại tại các đô thị lớn của Việt Nam mới phát triển mạnh trong 1-2 thập niên qua nên hệ thống luật vẫn còn trên đà hoàn thiện, văn hóa nhà chung cư yếu, ý thức ở chung cư còn kém. Công tác quản lý nhà chung cư đa phần chưa chuyên nghiệp và cần thêm thời gian để vào guồng. Vì vậy, các tranh chấp hai bên (giữa người mua nhà và chủ đầu tư) hoặc tranh chấp tay ba, tay tư (giữa người mua nhà với chủ đầu tư và cả ban quản lý và cả ban quản trị) vẫn liên tục tiếp diễn trong nhiều năm qua và cả trong thời gian tới.

Bạch Nhung